Tín dụng đen là gì? Có cách nào tránh "sập bẫy" tín dụng đen không?
Những năm gần đây, hoạt động “tín dụng đen” đang diễn ra ngày càng nhiều với vô số những thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Có không ít người vì gặp khó khăn về tài chính mà đã vướng vào những cái “bẫy” của hình thức bất hợp pháp này. Tìm hiểu và nắm được những thông tin cơ bản về tín dụng đen có thể giúp bạn tránh khỏi những hậu quả và rủi ro không đáng có. Vậy, tín dụng đen là gì? Có những nguyên nhân nào gây ra nó và có những biện pháp phòng chống gì? Hãy cùng Lingo.vn tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Tín dụng đen là gì?
Tín dụng đen (usury) là thuật ngữ dùng để chỉ các hoạt động cho vay mà người cho vay tính phí lãi suất cho người vay ở mức cao hơn ranh giới hợp pháp đối với các khoản phí đó. Hình thức này còn được gọi là cho vay nặng lãi, tín dụng phi chính thức (informal credit), không nằm trong khuôn khổ hoạt động và kiểm soát của hệ thống ngân hàng.
Hoạt động tín dụng đen thường đến từ các cá nhân hoặc các tổ chức tự do tự phát, lãi suất đều do chính họ đặt ra, hoàn toàn không căn cứ vào các quy định của pháp luật hay có bất kỳ loại giấy phép hợp pháp nào.
Chẳng hạn, nếu một người cần vay cá nhân nhưng do một số điều kiện nhất định, ngân hàng từ chối đăng ký vay của họ. Do đó, khi tìm đến tín dụng đen, họ có thể sẽ phải chấp nhận bất kỳ một mức lãi suất nào được đưa ra từ người cho vay. Con số này có thể là hơn mức cho phép, tùy thuộc vào quy định pháp luật của quốc gia.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều ban hành luật về tín dụng đen để bảo vệ người đi vay khỏi những người cho vay ngắn hạn hay cho vay nặng lãi. Tùy vào quốc gia và khu vực mà luật về tín dụng đen sẽ có những điều khoản khác nhau.
Tóm lại, tín dụng đen là một hình thức cho vay nặng lãi, không được pháp luật thừa nhận, được tiến hành bởi các cá nhân và tổ chức phi pháp luật.
Xem thêm: Bán khống là gì? Các rủi ro khi bán khống chứng khoán
Đặc điểm của tín dụng đen
Hiện nay, tín dụng đen đang lan tràn và trở nên phổ biến. Với những người gặp khó khăn về tài chính, họ sẽ rất dễ vướng vào những “chiếc bẫy” của loại hình thức tín dụng này. Bởi vậy, để có thể tránh được những rủi ro có thể gặp phải mà tín dụng đen mang lại, bạn cần biết rõ những đặc điểm sau đây.
Đặc điểm của tín dụng đen
Đầu tiên, tín dụng đen là một hình thức tín dụng phi pháp luật, không được pháp luật công nhận. Nó được quản lý bởi các cá nhân hay tổ chức tách biệt khỏi hệ thống pháp luật quốc gia, không có giấy tờ chứng minh hợp pháp hay giấy phép kinh doanh. Bởi vậy, pháp luật các nước đều tìm cách khai trừ tín dụng đen bởi những hệ lụy nguy hiểm mà nó mang lại.
Thứ hai, lãi suất cao là một đặc trưng nổi bật của tín dụng đen. Những cá nhân và tổ chức phi pháp tiến hành loại hình này đều tự quyết định lãi suất cho vay mà không tuân theo các quy định về lãi suất của nhà nước, đa số đều có lãi suất rất cao nhằm động cơ trục lợi, với vô số những thủ đoạn và chiêu trò khác nhau để lôi kéo người đi vay.
Ngoài ra, quy trình vay của tín dụng đen đơn giản. Nếu bạn vay mượn tại các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn, uy tín, quy trình và thủ tục thường bao gồm rất nhiều bước rườm rà, phức tạp. Tuy nhiên với tín dụng đen, người vay chỉ cần mang theo một số giấy tờ tùy thân là đã có thể vay được một khoản tiền nhất định.
Cũng chính vì sự nhanh gọn này mà nhiều người trong tình thế khó khăn về tài chính đã tìm đến tín dụng đen để có thể rút ngắn thời gian, tránh phải bỏ nhiều công sức.
Nguyên nhân xảy ra "tín dụng đen"
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tín dụng đen, bao gồm cả chủ quan và khách quan.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng và đình trệ, dẫn đến việc nhiều người không có đủ vốn để kinh doanh trên thị trường. Các ngân hàng lớn sở hữu nguồn vốn uy tín để hỗ trợ người dân, tuy nhiên lại bao gồm rất nhiều thủ tục và quy định chặt chẽ.
Trong khi đó, tín dụng đen lại tràn lan ngoài xã hội và quá dễ dàng để tiếp cận đối với nhiều người. Với thủ tục hết sức đơn giản, nhanh gọn, cùng với điều kiện khó khăn của người đi vay, từ đó các hợp đồng tín dụng đen đã được ký kết.
Bởi vậy, khi xem xét về nguyên nhân dẫn tới sự mở rộng của tín dụng đen trong xã hội, cần nhìn nhận rõ vấn đề đến từ các ngân hàng và tổ chức tài chính hiện nay trong việc quản lý và tiến hành các thủ tục vay vốn. Ngoài ra, những quy định của pháp luật vẫn còn nhiều lỗ hổng, chưa thực sự triệt để và chưa đủ răn đe đối với loại hình tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Rủi ro đến từ tín dụng đen
Vay tiền từ tín dụng đen mang đến rất nhiều rủi ro và hậu quả không mong muốn.
Trước hết, lãi suất cao rất nguy hiểm cho người đi vay. Mức lãi suất cao hoàn toàn do người vay tự đặt ra, người đi vay phải chịu một khoản nợ khổng lồ cùng với lãi suất quá cao. Điều này dẫn đến việc lãi dồn lãi, lãi mẹ đẻ lãi con, người đi vay hoàn toàn không có khả năng thanh toán và trả nợ.
Ngoài ra, với bản chất là một hình thức phi pháp, vậy nên khi người vay không có khả năng chi trả, tranh chấp xảy ra giữa hai bên chủ thể của hợp đồng vay mượn rất khó để giải quyết hay bảo vệ quyền lợi bởi pháp luật.
Vì vậy, khi mất khả năng chi trả bởi số tiền vay nợ đã được nhân lên quá lớn, người đi vay có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều tác hại và hậu quả nguy hiểm. Đối với cá nhân vay tiền từ tín dụng đen, họ có thể sẽ bị các tổ chức phi pháp uy hiếp cả về thể xác lẫn tinh thần, gây ảnh hưởng đến cả những người xung quanh. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, rất có thể phải đối mặt với tình trạng phá sản, vỡ nợ.
Các cá nhân có thể sẽ phải đối mặt với những hình thức uy hiếp
Bên cạnh đó, tín dụng đen cũng gây ra rất nhiều bất lợi về mặt kinh tế. Người lao động suy giảm năng suất làm việc vì tình trạng lo lắng kéo dài khi vay nợ với lãi suất cao, cùng với đó là những cuộc khủng hoảng kinh tế có thể gây ảnh hưởng đến xã hội và đạo đức của quốc gia.
Cách tránh khỏi "bẫy" tín dụng đen
Việc chuẩn bị cho bản thân những kiến thức cơ bản về cách xử lý khi vướng vào tín dụng đen sẽ giúp bạn tránh khỏi những hậu quả không mong muốn.
Pháp luật các nước có những quy định để bảo vệ người đi vay
Thứ nhất, bạn cần luôn tỉnh táo trước những lời mời chào từ các tổ chức tiến hành loại hình thức phi pháp này. Nếu có nhu cầu vay nợ, hãy tìm hiểu thông tin về quy trình cùng thủ tục vay tiền của các ngân hàng lớn và có tiếng. Tra cứu kĩ lãi suất của từng ngân hàng và lựa chọn phương án phù hợp nhất.
Thứ hai, nếu bạn đã mắc vào “bẫy” của tín dụng đen, trước hết, hãy tìm tới pháp luật. Pháp luật quốc gia luôn có những quy định để bảo vệ cho những cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi cho vay nặng lãi.
Tất cả những hình thức uy hiếp đến từ các tổ chức tín dụng đen đối với người đi vay đều có căn cứ pháp lý để chứng minh những hành vi này là vi phạm pháp luật. Bạn có thể đâm đơn kiện, đưa ra những bằng chứng về việc quyền lợi của mình đang bị xâm phạm để tố cáo lên cơ quan nhà nước, nhờ tới sự can thiệp của lực lượng chức năng.
Bạn cũng có thể tìm tới các tổ chức luật sư uy tín, những chuyên viên pháp lý,... để nhận được sự tư vấn và trợ giúp kịp thời.
TỔNG KẾT
Sau ảnh hưởng của Covid-19, khủng hoảng kinh tế kéo dài dẫn theo hàng loạt người vì túng quẫn mà đã tìm đến tín dụng đen để vay vốn. Điều này gây nên những hệ lụy không hề nhỏ đến với nền kinh tế-xã hội quốc gia. Việc tìm hiểu và nắm được những thông tin về hình thức này sẽ phần nào giúp suy giảm tình trạng vay nợ với lãi suất cao, ngăn ngừa được những bất lợi nghiêm trọng trong tương lai.
Lingo.vn hy vọng rằng bài viết trên đã có thể hỗ trợ, cung cấp cho các bạn những kiến thức cần thiết về tín dụng đen cùng những vấn đề xoay quanh, để từ đó có những biện pháp phòng tránh và những cách giải quyết phù hợp cho bản thân.
Xem thêm: Sao kê là gì? Cách nhận sao kê ngân hàng nhanh chóng nhất